Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Có thêm một loại nấm ăn kìm hãm tế bào ung thư

Bên cạnh các loài nấm nuôi trồng có tác dụng hỗ trợ việc điều trị ung thư như Agaricus blazei, Coriolus versicolor, Ganoderma lucidum, gần đây Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật (VTCC) thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học (ĐHQG Hà Nội) lại có thêm một chủng nấm ăn đã được không ít nghiên cứu trên thế giới xác định là có nhiều tác dụng trong y học, nhất là khả năng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Đó là nấm Nhộng Trùng Thảo (Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link). Trung Quốc gọi là Dõng Trùng Thảo (Dõng là con nhộng tằm). Nhộng Trùng Thảo là loài nấm cùng chi với Đông Trùng Hạ Thảo (Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc.)- một loài nấm quý , rất đắt tiền và cũng rất khó phân lập. Nhộng Trùng Thảo được Xí nghiệp dược phẩm tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) phân lập được từ năm 1986, năm 1990 đã được nuôi cấy thành công trong nồi lên men. Năm 1994 đã được đưa vào sản xuất lớn trên nhộng tằm, sau đó lại thành công trong việc nuôi cấy trên các môi trường nhân tạo như gạo, tiểu mạch, ngô... Nhộng Trùng Thảo trong thiên nhiên phát triển trên nhộng tằm (Bombyx mori) và trên nhiều loại ấu trùng của các côn trùng khác Sau khi ăn hết chất dinh dưỡng bên trong các sâu nói trên loài nấm này sẽ mọc ra một quả thể (còn gọi là đệm nấm- stroma) gần giống như Đông Trùng Hạ Thảo và đâm lên khỏi mặt đất (vào mùa hè). Các nhà khoa học chú ý nhiều đến dược lý và năng lực chữa bệnh của Nhộng Trùng Thảo. Hàm lượng của mấy hoạt chất quan trọng so với Đông Trùng Hạ Thảo không thua kém, thậm chí còn cao hơn rõ rệt. Hoạt chất Nhộng Trùng Thảo Đông Trùng Hạ Thảo Cordycipin 2% 0,48% D-Mannitol 8% 6,80% Cordypolysaccarid 13% 12% SOD 584 (IU/mg) 183 (IU/mg) SOD là Superoxide dismutase Tháng 11/1990 và tháng 4/1991 Trạm Vệ sinh phòng dịch Thẩm Dương (Trung Quốc) đã công bố kết quả kiểm nghiệm về giá trị an toàn thực phẩm của Nhộng Trùng Thảo và xác nhận không có độc tính, có thể coi là thực phẩm an toàn. Rất nhiều nghiên cứu sâu sắc về dược lý của Nhộng Trùng Thảo đã được công bố. Sau đây là một số thông tin đáng chú ý: Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng Nhộng Trùng Thảo được sử dụng có hiệu quả để chữa trị nhiều bệnh, như rối loạn chức năng của gan (Nan J.X et al. 2001), ung thư (Yoo H.S at el. 2004), sự lão hoá, các chứng viêm tấy (Won S.Y and Park E.H. 2005). Đặc biệt nó được đánh giá có tác dụng tốt đối với thận và phổi theo y học cổ truyền Trung Quốc. Gần đây rất nhiều tính chất dược lý của loài nấm này đã được công bố: Dịch chiết xuất nấm bằng cồn có thể kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn lao Mycobaerium tuberculosis H37Rv; đẩy nhanh quá trình chuyển hoá các axit nucleic và protein tại tụy; có tác dụng đối với kích tố sinh dục nam; tác động đến hệ thống tuần hoàn như chống lại sự thiếu oxi, tăng cường sự lưu thông máu, giảm hàm lượng cholesterol trong huyết thanh…; có tác dụng chống viêm nhiễm; có tác dụng chống ung thư: kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư vú, tế bào ung thư phổi….; kìm hãm sự phát triển của một số virut và vi khuẩn. Một trong những giá trị chính của Nhộng Trùng Thảo là kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Dịch chiết bằng nước ấm đối với nấm này đã có thể kìm hãm sự phát triển của dòng tế bào ung thư máu ở người bằng cách gây ra hiện tượng tự chết (apoptosis) của các tế bào này thông qua sự hoạt hoá enzym caspase-3 (Lee H. et al., 2006, Park C. et al., 2005). Dịch chiết từ Nhộng Trùng Thảo đã thể hiện là có tiềm năng to lớn trong việc chữa trị ung thư máu (leukemia). Các nhà khoa học cũng đã sử dụng dịch chiết xuất từ Nhộng Trùng Thảo để thử nghiệm trên các dòng tế bào bình thường và các dòng tế bào ung thư. Kết quả cho thấy hai dòng tế bào K562 (tế bào ung thư máu-leukemia) và Du145 (tế bào ung thư tuyến tiền liệt-prostate carcinoma) bị ức chế mạnh bởi dịch chiết xuất bằng butanol từ Nhộng Trùng Thảo (Kim et al. 2006). Yoo H. S. và cộng sự đã chứng minh rằng Nhộng Trùng Thảo có tác dụng chống lại sự tạo thành các mạch máu mới (angiogenesis) bằng cách giảm sự biểu hiện của bFGF, một trong những nhân tố kích thích quá trình này. Do có vai trò kìm hãm trong quá trình angiogenesis mà Nhộng Trùng Thảo có thể ngăn chặn được quá trình di căn và sự phát triển của ung thư. Ngoài ra Nhộng Trùng Thảo còn có tác dụng kìm hãm sự oxy hoá của lipid, lipoprotein và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Chất chống oxy hoá có trong Nhộng Trùng Thảo có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa một số bệnh gây ra bởi một loạt phản ứng oxy hoá dẫn đến việc phá hoại ADN, protein và các phân tử lớn khác. Những hiện tượng trên dẫn đến sự thoái hoá hoặc làm tăng mức độ của một số bệnh như: lão hoá, hen và ung thư (Klaunig J.E và Kamendulis L.M., 2004; Balaban R.S. et al., 2005). Một số chất chống oxy hoá đã được tổng hợp nhân tạo như butylated hydroxyanisole (BHA) (Thompson D. and Moldeus P. 1988) hoặc như butylated hydroxytoluene (BHT) (Witschi H.P. 1986; Thompson D. and Moldeus P. 1988). Do đó việc sử dụng Nhộng Trùng Thảo trong việc chống oxy hóa, đề kháng lại với bệnh tật là vô cùng có giá trị trong y học. Dịch chiết xuất bằng nước từ Nhộng Trùng Thảo làm kích thích sự trưởng thành về mặt hình thái và chức năng của tế bào dạng cây (dendritic cell), một trong những loại tế bào quan trọng nhất trong việc trình diện kháng nguyên (Kim GY et al. 2006). Nhộng Trùng Thảo không chỉ là dược liệu quý giá mà còn được sử dụng trong việc pha chế rượu và trà. Hơn nữa thức ăn có thêm Nhộng Trùng Thảo còn làm tăng mức độ ngon miệng và có tác dụng làm tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Do các giá trị nói trên, việc nuôi cấy nhân tạo Nhộng Trùng Thảo đã được mở rộng tại Trung Quốc và nhiều nước khác. Có thể dùng phương pháp lên men chìm (submerged fermentation) trong các nồi lên men (fermentor) hay lên men chìm trên môi trường đặc (solid fermentation : cơm hay nhộng tằm) trong các chai thủy tinh miệng rộng hay trong các bao màng mỏng (PP). Sau khi thu hoạch quả thể hay sinh khối ta đem sấy khô và dùng làm thực phẩm trực tiếp hay phối hợp với các Công ty dược phẩm để chế biến thành các viên nén hay viên con nhộng. Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Quỳnh Uyển 28/01/2007